Thủ tục đăng ký bản quyền tác giả

Thời hạn bảo hộ, điều kiện, thủ tục đăng ký bản quyền tác giả

Chi tiết điều kiện, thủ tục đăng ký bản quyền tác giả và quy định về thời hạn, đối tượng được bảo hộ quyền tác giả sẽ được Cenplus chia sẻ trong bài viết này. Có mẫu hồ sơ cho bạn tham khảo và tải về miễn phí.

Nội dung chính:

  • Điều kiện bảo hộ quyền tác giả
  • Thủ tục, hồ sơ đăng ký bản quyền tác giả
  • Thời hạn bảo hộ quyền tác giả
  • Đối tượng được bảo hộ quyền tác giả
  • Một số câu hỏi thường gặp khi đăng ký bản quyền tác giả

Hiện tượng vi phạm bản quyền bài hát, bản quyền âm nhạc, bản quyền logo thương hiệu,… gọi chung là vi phạm bản quyền tác giả xảy ra khá phổ biến ở hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, nhiều tác giả lại chưa nắm được những quy định, thủ tục về việc đăng ký bản quyền tác giả để bảo vệ cho tác phẩm do chính mình tạo ra. Bài viết sau đây của Cenplus sẽ chia sẻ cho bạn những thông tin hữu ích về việc đăng ký bảo hộ quyền tác giả.

Điều kiện bảo hộ quyền tác giả

Theo Luật Sở hữu trí tuệ, quyền tác giả (tác quyền) bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản. Các cá nhân, tổ chức sẽ được cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả đối với tác phẩm do chính cá nhân, tổ chức đó trực tiếp sáng tạo hoặc sở hữu.

Điều kiện đăng ký bản quyền tác giả được quy định cụ thể như sau:

➥ Đối với tác phẩm được bảo hộ bản quyền phải đáp ứng 2 điều kiện sau:

  • Bắt buộc phải là một sản phẩm của lao động trí tuệ và không có bất kỳ yếu tố sao chép nào;
  • Hình thức thể hiện dưới dạng vật chất nhất định như: bài hát thể hiện qua các trang sáng tác, điện ảnh thể hiện qua những thước phim…

➥ Đối với chủ sở hữu quyền tác giả phải đáp ứng điều kiện sau:

  • Chủ sở hữu đồng thời là người trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm;
  • Chủ sở hữu quyền tác giả là cá nhân, tổ chức Việt Nam hoặc cá nhân, tổ chức nước ngoài có tác phẩm được công bố đồng thời tại Việt Nam trong 30 ngày kể từ ngày tác phẩm đó được công bố lần đầu ở quốc gia khác;
  • Chủ sở hữu quyền tác giả là cá nhân, tổ chức Việt Nam hoặc cá nhân, tổ chức nước ngoài có tác phẩm được công bố lần đầu tiên tại Việt Nam mà chưa thực hiện công bố ở bất kỳ quốc gia nào khác mới có đủ điều kiện đăng ký quyền tác giả;
  • Chủ sở hữu quyền tác giả là cá nhân, tổ chức nước ngoài có tác phẩm được bảo hộ tại Việt Nam theo các điều ước quốc tế về quyền tác giả mà Việt Nam là thành viên.

➤➤ Tham khảo bài viết: Quyền tác giả là gì? Tại sao phải đăng ký bản quyền tác giả?

Thủ tục, hồ sơ đăng ký bản quyền tác giả

  1. Hồ sơ đăng ký bản quyền tác giả

Thành phần hồ sơ đăng ký quyền tác giả bao gồm các giấy tờ sau đây:

  • Tờ khai đăng ký bản quyền tác giả (*);
  • 2 bản sao của tác phẩm đăng ký bản quyền tác giả;
  • Giấy ủy quyền (nếu người nộp hồ sơ đăng ký quyền tác giả là người được tác giả ủy quyền);
  • Tài liệu chứng minh tác giả là người tự sáng tạo ra sản phẩm hoặc được giao nhiệm vụ sáng tạo, giao kết hợp đồng sáng tạo, được thừa kế, được chuyển giao quyền;
  • Văn bản đồng ý của các đồng tác giả (nếu tác phẩm có đồng tác giả);
  • Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu (nếu quyền tác giả thuộc sở hữu chung);
  • Tờ khai đăng ký bản quyền tác giả.

Lưu ý: Hiện tại, có 8 mẫu tờ khai đăng ký bản quyền tác giả được quy định tại theo mẫu tại Thông tư 08/2023/TT-BVHTTDL, tùy theo ác phẩm được bảo hộ mà bạn cần phải lựa chọn mẫu tờ khai cho phù hợp:

  • Mẫu số 01 – Tờ khai đăng ký quyền tác giả dành cho các tác phẩm khoa học; tác phẩm văn học; bài phát biểu, bài giảng và bài nói khác; tác phẩm báo chí; sưu tập dữ liệu; tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian và các tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác;
  • Mẫu số 02 – Tờ khai đăng ký quyền tác giả dành cho các tác phẩm mỹ thuật ứng dụng;
  • Mẫu số 03 – Tờ khai đăng ký quyền tác giả dành cho các chương trình máy tính;
  • Mẫu số 04 – Tờ khai đăng ký quyền tác giả dành cho các tác phẩm âm nhạc;
  • Mẫu số 05 – Tờ khai đăng ký quyền tác giả dành cho tác phẩm mỹ thuật, tác phẩm nhiếp ảnh;
  • Mẫu số 06 – Tờ khai đăng ký quyền tác giả dành cho các tác phẩm điện ảnh, tác phẩm sân khấu;
  • Mẫu số 07 – Tờ khai đăng ký quyền tác giả dành cho các sách giáo khoa, giáo trình;
  • Mẫu số 08 – Tờ khai đăng ký quyền tác giả dành cho các tác phẩm kiến trúc, sơ đồ, bản đồ, bản họa đồ, bản vẽ về địa hình, công trình khoa học.
  1. Thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả

Quy trình đăng ký bản quyền tác giả được thực hiện theo các bước sau đây:

➥ Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

  • Tùy thuộc vào từng loại tác phẩm cần đăng ký bảo hộ, tác giả cần chuẩn bị 1 bộ hồ sơ gồm các giấy tờ cơ bản được liệt kê ở mục trên.

➥ Bước 2: Nộp hồ sơ đăng ký bản quyền tác giả Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ thành phần hồ sơ đăng ký quyền tác giả, tác giả hoặc người được tác giả ủy quyền tiến hành nộp 1 bộ hồ sơ đăng ký quyền tác giả đến Cục Bản quyền tác giả theo một trong 3 hình thức:

  • Nộp trực tiếp tại Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
  • Nộp hồ sơ qua đường bưu điện tới địa chỉ của Cục Bản quyền tác giả;
  • Nộp hồ sơ online qua hệ thống Dịch vụ công trực tuyến.

➥ Bước 3: Cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả

  • Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, Cục Bản quyền tác giả tiến hành cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả cho tác giả hoặc người được tác giả ủy quyền nếu như thành phần hồ sơ hợp lệ, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu theo quy định.
  • Trường hợp hồ sơ không hợp lệ hoặc không được chấp nhận cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Cục Bản quyền tác giả sẽ gửi thông báo bằng văn bản tới người nộp hồ sơ để yêu cầu bổ sung hoặc thông báo lý do không chấp nhận cấp giấy chứng nhận.

Thời hạn bảo hộ quyền tác giả

Theo quy định tại Điều 27 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành, quyền nhân thân và quyền tài sản của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả sẽ có thời hạn bảo hộ khác nhau.

Cụ thể:

  1. Thời hạn bảo hộ quyền nhân thân của tác giả Quyền nhân thân là quyền gắn liền với nhân thân của tác giả, không thể chuyển giao cho tổ chức, cá nhân khác. Quyền nhân thân của tác giả bao gồm các quyền sau đây:
  • Quyền đặt tên cho tác phẩm;
  • Quyền đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm;
  • Quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.

Thời hạn bảo hộ quyền nhân thân đối với các quyền nhân thân này sẽ được bảo hộ vô thời hạn.

  1. Thời hạn bảo hộ quyền tài sản và quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm
  • Quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm: Tác giả quyết định việc công bố hoặc không công bố tác phẩm của mình hoặc có thể ủy quyền cho người khác thực hiện quyền công bố tác phẩm này.
  • Quyền tài sản của tác giả: Là các quyền liên quan đến việc khai thác và sử dụng tác phẩm về mặt tài chính. Bao gồm quyền sao chép tác phẩm, quyền phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm, quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng, quyền cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm, quyền sửa chữa, làm tác phẩm phái sinh,…

Quyền tài sản và quyền công bố hoặc cho phép công bố tác phẩm được bảo hộ trong thời hạn suốt cuộc đời tác giả và 50 năm tiếp theo sau khi tác giả qua đời. Trường hợp tác phẩm có đồng tác giả, thời hạn bảo hộ quyền tài sản sẽ chấm dứt vào năm thứ 50 sau năm đồng tác giả cuối cùng qua đời.

Đối tượng được bảo hộ quyền tác giả

Theo quy định tại Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ, các tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học được bảo hộ quyền tác giả bao gồm:

  • Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác;
  • Bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác;
  • Tác phẩm báo chí;
  • Tác phẩm âm nhạc;
  • Tác phẩm sân khấu;
  • Tác phẩm điện ảnh;
  • Tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng;
  • Tác phẩm nhiếp ảnh;
  • Tác phẩm kiến trúc;
  • Bản họa đồ, bản vẽ sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, kiến trúc, công trình khoa học;
  • Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian;
  • Chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu.

Một số câu hỏi thường gặp khi đăng ký bản quyền tác giả

  1. Đăng ký quyền tác giả có bắt buộc không?
  • Luật Sở hữu trí tuệ không quy định về việc bắt buộc phải đăng ký bản quyền tác giả đối với các tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi và tránh rủi ro về tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ, tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả nên thực hiện việc đăng ký bảo hộ quyền tác giả với Cục Bản quyền tác giả.
  1. Đăng ký quyền tác giả mất bao lâu?
  • Thời gian để Cục Bản quyền tác giả cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả là 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.
  1. Đăng ký bản quyền tác giả ở đâu?
  • Để đăng ký bản quyền tác giả, bạn có thể nộp hồ sơ trực tiếp tại Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc nộp qua đường bưu điện tới địa chỉ của Cục Bản quyền tác giả. Ngoài ra, bạn cũng có thể nộp hồ sơ online qua hệ thống Dịch vụ công trực tuyến.
  1. Chi phí đăng ký bản quyền tác giả là bao nhiêu?
  • Lệ phí cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả đối với một số loại tác phẩm như sau:
    • Đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật, bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác; tác phẩm âm nhạc, tác phẩm sân khấu: 100.000 VNĐ.
    • Đối với tác phẩm mỹ thuật ứng dụng: 200.000 VNĐ.
    • Đối với tác phẩm điện ảnh: 300.000 VNĐ.
    • Đối với chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu: 600.000 VNĐ.

Mẫu tờ khai đăng ký bản quyền tác giả

Bạn có thể tải mẫu tờ khai đăng ký bản quyền tác giả tại đây:

  • Mẫu tờ khai đăng ký quyền tác giả – Tác phẩm khoa học, văn học, bài phát biểu và bài nói khác, tác phẩm báo chí, sưu tập dữ liệu, tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian và tác phẩm khác: Tải mẫu 01.
  • Mẫu tờ khai đăng ký quyền tác giả – Tác phẩm mỹ thuật ứng dụng: Tải mẫu 02.
  • Mẫu tờ khai đăng ký quyền tác giả – Chương trình máy tính: Tải mẫu 03.
  • Mẫu tờ khai đăng ký quyền tác giả – Tác phẩm âm nhạc: Tải mẫu 04.
  • Mẫu tờ khai đăng ký quyền tác giả – Tác phẩm mỹ thuật, tác phẩm nhiếp ảnh: Tải mẫu 05.
  • Mẫu tờ khai đăng ký quyền tác giả – Tác phẩm điện ảnh, tác phẩm sân khấu: Tải mẫu 06.
  • Mẫu tờ khai đăng ký quyền tác giả – Sách giáo khoa, giáo trình: Tải mẫu 07.
  • Mẫu tờ khai đăng ký quyền tác giả – Tác phẩm kiến trúc, sơ đồ, bản đồ, bản họa đồ, bản vẽ về địa hình, công trình khoa học: Tải mẫu 08.

Lời kết

Việc đăng ký bản quyền tác giả không chỉ giúp bảo vệ quyền lợi của tác giả mà còn là cơ sở pháp lý quan trọng để giải quyết các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ. Hãy đảm bảo rằng bạn đã nắm rõ quy trình và thủ tục để tiến hành đăng ký bản quyền tác giả một cách hiệu quả.

Liên hệ ngay: 0942487171 hoặc email: cenplus@gmail.com
Cenplus luôn sát cánh cùng doanh nghiệp